Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất và quảng cáo công dụng thần thánh của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được chứng minh công dụng của Bộ y tế. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhà nước và không công bằng đối với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định khó khăn hơn trước đây. Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc đầy đủ thông tin về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, do Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018.

1.Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là giấy tờ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm,đảm bảosản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng tính minh bạch, uy tín sản phẩm và đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

2.Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm thông thường:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

“1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;

b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Trên đây là những điều kiện chung để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì còn cần phải đáp ứng những điều kiện riêng đặc biệt mới có thể được cấp giấy chứng nhận này.

(Hình ảnh an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn: ST)

3.Cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần đáp ứng những điều kiện chung nào về đảm bảo an toàn thực phẩm:

Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, do Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018. và khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 21 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần phải đảm bảo các điều kiện chung về an toàn thực phẩm sau đây:

Thứ nhất, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

  • Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
  • Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
  • Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Tuân thủ quy định về sức khỏe kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ hai, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm:

  • Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
  • Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
  • Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ ba, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm:

  • Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;
  • Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;
  • Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

4.Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

+ Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, do Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018, quy định như sau:

“2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”

+ Dẫn chiếu Điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, do Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo đó ngoài việc đảm bảo những điều kiện chung về an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bảo về sức khỏe còn phải đáp ứng những điều kiện sau đây:

  • Phải thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát quá trình sản xuất và lưu thông phân phối nhằm bảo đảm mọi sản phẩm do cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn đối với người sử dụng cho đến hết hạn sử dụng;
  • Đủ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc được giao và được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về GMP, về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn liên quan. Trưởng bộ phận sản xuất và trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng phải là nhân sự chính thức, làm việc toàn thời gian cho cơ sở và độc lập với nhau. Người phụ trách chuyên môn của cơ sở phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành Y, Dược, Dinh dưỡng, An toàn thực phẩm, Công nghệ thực phẩm và phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc tại lĩnh vực chuyên ngành có liên quan;
  • Hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ được thiết kế, xây dựng, lắp đặt phù hợp với mục đích sử dụng, theo nguyên tắc một chiều, dễ làm vệ sinh, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn, tránh tích tụ bụi bẩn, ô nhiễm và các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến sản phẩm và thực hiện duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày;
  • Thực hiện và lưu đầy đủ hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông phân phối để truy xuất được lịch sử mọi lô sản phẩm và hồ sơ ghi chép toàn bộ các hoạt động khác đã được thực hiện tại cơ sở;
  • Mọi thao tác sản xuất phải thực hiện theo quy trình, hướng dẫn. Áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất để phòng, tránh nguy cơ nhầm lẫn, ô nhiễm, nhiễm chéo. Ghi chép kết quả ngay khi thực hiện thao tác hoặc ngay sau khi hoàn thành công đoạn sản xuất vào hồ sơ;
  • Có bộ phận kiểm soát chất lượng để bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo các điều kiện, quy trình phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn đã thiết lập; các phép thử cần thiết đã được thực hiện; nguyên vật liệu không được duyệt xuất để sử dụng, sản phẩm không được duyệt xuất bán khi chưa được đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu; sản phẩm phải được theo dõi độ ổn định;
  • Trong trường hợp kiểm nghiệm hoặc sản xuất theo hợp đồng thì bên nhận hợp đồng phải có đủ nhà xưởng, trang thiết bị và nhân sự đáp ứng yêu cầu bên giao và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền về điều kiện kiểm nghiệm hoặc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
  • Có quy trình quy định giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm, hoạt động tự kiểm tra; thực hiện theo quy trình và ghi chép, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đối với các hoạt động này.

Như vậy, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thì cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì còn cần phải đáp ứng những điều kiện riêng đặc biệt mới có thể được cấp giấy chứng nhận này.

Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được những thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!

Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Điện thoại: 090 520 63 81