Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là cơ sở pháp lý xác lập quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu. Vậy quy định pháp luật về hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như thế nào? Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

1. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là bao lâu?

Theo Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023), quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau:

  • Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
  • Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

+ Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.
  • Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.
  • Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

(Hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, ST)

2.Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được gia hạn trong trường hợp nào:

Việc gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, các quy định được thực hiện theo các điểm sau đây:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, điểm đ khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023), việc gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ được thực hiện như sau: Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực.

Trước đây, tại khoản 2 Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ như sau: Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.

Như vậy, để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực.

Theo khoản 20.4 Điều 20 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi điểm d khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN), việc thực hiện gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định như sau:

  • Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp không được gia hạn.
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thì Bằng độc quyền có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.
  • Để được gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng tính đến ngày Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.

Như vậy, trong thời hạn 06 tháng trước khi hết thời hạn bảo hộ, Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần phải thực hiện thủ tục gia hạn.

3. Thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2023:

Hồ sơ, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện theo quy định tại khoản 20.4 Điều 20 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi điểm d khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN) như sau:

Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

  • Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo Mẫu 02-GH/DTVB quy định tại Phụ lục C ban hành kèm theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.
  • Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ).
  • Giấy ủy quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện).
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
  • Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
  • Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp chủ văn bằng bảo hộ yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào văn bằng bảo hộ, chủ văn bằng bảo hộ phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định.
  • Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối, nếu đơn yêu cầu gia hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định.

+ Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.

  • Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Trong thời hạn 06 tháng trước khi hết thời hạn bảo hộ, Chủ Giấy chứng nhận cần phải thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định của pháp luật.

Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được một số thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!

Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Điện thoại: 090 520 63 81