Bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xe ô tô là một trong các loại giấy tờ bắt buộc, người điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ bắt buộc này khi tham gia giao thông. Như vậy trong trường hợp không có bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xe ô tô khi tham gia giao thông có bị xử phạt hành chính hay không? và mức xử phạt như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự.
Về Căn cứ pháp lý bao gồm:
- Luật giao thông đường bộ năm 2008;
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ban hành ngày 30/12/2019;
- Nghị định số 123/2021/NĐ-CP; Nghị định của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, ban hành ngày 28/12/2021.
1. Người tham gia giao thông không mang theo bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xe ô tô có bị xử phạt không:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”
Như vậy, căn cứ quy định trên khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:
– Đăng ký xe;
– Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;
– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;
– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, hành vi không mang bảo hiểm xe khi tham gia giao thông là vi phạm quy định khi tham gia giao thông. Và với hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
(Xử phạt khi tham gia giao thông không có bảo hiểm xe máy, nguồn: ST)
2. Mức phạt tiền đối với lỗi không có bảo hiểm khi đi xe máy, xe ô tô là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) quy định như sau:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:
“2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này…
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.”
Căn cứ quy định nêu trên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng – 200.000 đồng đối với xe máy
- Phạt tiền từ 400.000 đồng – 600.000 đồng đối với ô tô.
Mức xử phạt nêu trên áp dụng cả đối với trường hợp không có và không mang theo bảo hiểm.
3. Không có bảo hiểm khi đi xe máy, xe ô tô có bị giữ giấy tờ không?
Đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì ngoài hình thức xử phạt chính là bằng tiền thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ giấy tờ, phương tiện. Vậy đối với hành vi không có bảo hiểm khi tham gia giao thông thì có bị giữ giấy tờ hay phương tiện không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ, trong đó có quy định:
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
i) Khoản 1; điểm a khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 21;
…”
Như vậy, trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì với hành vi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông, người vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm bằng tiền mà không bị tạm giữ giấy tờ hay phương tiện.
Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được một số thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!
Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:
CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ
Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: 090 520 63 81