Ép buộc người khuyết tật đi ăn xin sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Hiện nay, tại các thành phố lớn đang xảy ra tình trạng những người khuyết tật bị lợi dụng, ép buộc phải đi ăn xin sau đó lại bị chiếm đoạt hết số tiền mà họ xin được. Đứng trước thực trạng đáng buồn này, rất nhiều người dân thắc mắc rằng pháp luật có những biện pháp xử phạt như thế nào đối với hành vi ép buộc người khuyết tật đi ăn xin hay không? Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc đầy đủ thông tin về việc ép buộc người khuyết tật đi ăn xin sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

  • Luật người khuyết tật năm 2019;
  • Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021;
  • Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020.

1.Khái niệm người khuyết tật:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2019, giải thích từ ngữ về người khuyết tật như sau:

“Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.”

2.Ép buộc người khuyết tật đi ăn xin sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào:

Theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021. Quy định về vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật như sau:

“Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;

c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Như vậy, theo quy định trên, người ép buộc người khuyết tật đi ăn xin để lấy tiền thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đồng thời người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

(Hình ảnh người khuyết tật, nguồn: ST)

3.Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người ép buộc người khuyết tật đi ăn xin là bao lâu:

Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 “1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế…”

Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người ép buộc người khuyết tật đi ăn xin để lấy tiền là 01 năm.

Người khuyết tật là đối tượng yếu thế và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, vì vậy chúng ta phải biết giúp đỡ và yêu thương. Đồng thời, cần phải lên án những trường hợp lợi dụng, ép buộc người khuyết tật ăn xin để lấy tiền.

Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được một số thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!

Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Điện thoại: 090 520 63 81