Trong các mối quan hệ xã hội thường ngày, tranh chấp xảy ra là điều không tránh khỏi và khi các bên tranh chấp không thể thương lượng, hòa giải được với nhau thì họ tiến hành nhờ bên thứ ba can thiệp để có thể giải quyết tranh chấp. Một trong những thủ tục mà các bên lựa chọn là thủ tục tố tụng bằng cách nộp đơn khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Vậy các tranh chấp giữa các bên được giải quyết như thế nào?

Trình tự giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự cơ bản gồm những bước sau đây:

  • Bước 1: Nộp đơn khởi kiện;
  • Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn;
  • Bước 3: Thụ lý vụ án;
  • Bước 4: Tiến hành hòa giải;
  • Bước 5: Chuẩn bị xét xử;
  • Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm;

Cụ thể,

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính

Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn.

Căn cứ Khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý vụ án.

Căn cứ theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

  • Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bước 4: Tiến hành hòa giải .

Căn cứ theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

  • Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
  • Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Bước 5: Chuẩn bị xét xử

Trong vòng 01 tháng để chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.

Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm .

Căn cứ theo Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được một số thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!

Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.Điện thoại: 090 520 63 81