1.Thi Hành án dân sự là gì:

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục thi hành:

  • Bản án, quyết định dân sự;
  • Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;
  • Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;
  • Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
  • Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;
  • Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.

2. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự:

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi 2014), cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:

  • Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);
  • Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);
  • Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (cơ quan thi hành án cấp quân khu).

3. Vai trò, ý nghĩa của thi hành án dân sự:

Vai trò: Bản án của Toà án được thi hành trên thực tế nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Ý nghĩa: Thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, năng cao ý thức chấp hành pháp luật cho con người, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật, củng cố quyền lực nhà nước.

4. Quy trình thi hành án của cơ quan thi hành án được tiến hành theo một số bước cơ bản sau:

4.1 Ra quyết định thi hành án

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:

  • Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
  • Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
  • Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
  • Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định 4 trường hợp đầu tiên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án. Đối với quyết định giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án nếu không thuộc các trường hợp trên. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

4.2 Gửi quyết định về thi hành án:

Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

4.3 Thông báo về thi hành án:

+ Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản.

+ Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

+ Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
  • Niêm yết công khai;
  • Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4.4 Xác minh điều kiện thi hành án:

– Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

– Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

4.5  Cưỡng chế thi hành án:

  • Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
  • Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

4.6  Thanh toán tiền thi hành án:

Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền để người thi hành án giao nhà là chỗ ở duy nhất có thể thuê nhà trong thời hạn 01 năm, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

  • Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
  • Án phí;
  • Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

  • Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
  • Số tiền thi hành án được thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
  • Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
  • Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

4.7 Kết thúc thi hành án:

Việc thi hành án kết thúc trong các trường hợp sau đây:

  • Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;
  • Có quyết định đình chỉ thi hành án;
  • Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.

Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.

5. Khi nào bị cưỡng chế thi hành án dân sự:

Cưỡng chế thi hành án dân sự được tiến hành khi:

  • Hết thời hạn tự nguyện thi hành án;
  • Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.

Trong đó: Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

6. Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự:

Biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

7. Ai phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự:

*  Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

  • Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
  • Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
  • Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
  • Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
  • Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
  • Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

* Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

  • Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
  • Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

* Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

  • Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
  • Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;
  • Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;
  • Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Qua bài viết giải đáp như trên; chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp được một số thông tin hữu ích và phù hợp đến bạn đọc!

Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Luật sư tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Điện thoại: 090 520 63 81