“Tố giác tội phạm” – một thuật ngữ thường xuất hiện rất phổ biến trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Tố giác tội phạm là gì? Trách nhiệm tiếp nhận tin tố giác tội phạm và thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan nào? Hãy cùng LOGICLAW tìm hiểu những thông tin hữu ích ngay dưới đây.

1. Tố giác tội phạm là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”.

Tố giác tội phạm có thể được thể hiện thông qua hình thức là văn bản hoặc hình thức là lời.

Tin tố giác phải đảm bảo sự chính xác và trung thực. Cá nhân, tổ chức nào “cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”

2. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm

Căn cứ theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nguyên tắc tiếp nhận tin tố giác tội phạm:

“Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Về trách nhiệm tiếp nhận tố giác tội phạm, quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, bao gồm các cơ quan:

“Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Thẩm quyền giải quyết tin tố giác tội phạm được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

“Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”

Sau khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được biết theo quy định tại khoản 4 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố”

Trên đây là những thông tin có liên quan đến tố giác tội phạm, trách nhiệm và thẩm quyền tiếp nhận của các cơ quan nhà nước. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc có liên quan.

Để được hỗ trợ chi tiết bạn đọc vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH LOGIC & CỘNG SỰ

Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

VPGD: 441/17 Điện Biên Phủ, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Điện thoại: 090 520 63 81